Tư vấn tâm lý là công việc cao cả. Cũng như linh mục với con chiên, hay sư thầy với phật tử, vai trò của chuyên gia tư vấn là giúp thân chủ kết nối tâm hồn mình về miền tỉnh thức. Bằng sự lắng nghe, đồng cảm và phản hồi, chỉ khi ấy, sự chuyển mình mới được đánh thức. Tôn giáo gọi đó là biến hình. Khoa học gọi là biến thân. Tôi gọi đó là sống. Sống Đẹp.
Giáo sư Larry Crabb, một trong những tác giả yêu thích của tôi, viết thế này:
“Khi hai con người kết nối, hai thực thể giao hòa, điều kỳ diệu xảy ra. Năng lượng chữa lành từ người này dịu dàng thấm hút sang người kia, xóa đi những tổn thương sâu kín nhất, trả sự lành mạnh về cho tâm hồn. Người nhận tận hưởng niềm vui được chữa lành, người cho đi trải nghiệm niềm vui còn lớn hơn: được cống hiến để chữa lành.
Larry Crabb. Connecting: Healing ourselves and our relationships - A Radical New Vision. (1997)
Tôi có cơ hội chứng kiến điều này trong phòng tư vấn của mình. Ở phòng đặt một chiếc ghế màu xanh mà vợ tôi, Jacqueline, gọi là ghế nghẹn ngào. Trên chiếc ghế đó, rất nhiều người, khi chọn thổ lộ hết những ẩn khuất bên trong, đã từng bước tìm lại sự bình yên trong tâm hồn. Họ biết đến niềm vui chữa lành, còn tôi, được trải nghiệm sự kỳ diệu khi dâng hiến bản thân cho hành trình chữa lành ấy.
Dưới đây là tự sự của một trong những người đã tìm đến chiếc ghế nghẹn ngào:
“Tôi giúp gì được cho bạn? Bạn mong đợi gì từ buổi tư vấn?”, người đối diện hỏi. Tôi mỉm cười, thầm nghĩ trong đầu “Giá như mình biết câu trả lời”.
Tôi ước mình biết bản thân cần gì hay muốn gì trong những ngày đen tối ấy. Khi đó, nếu ai nói “Cười nhiều lên, nói nhiều lên, chịu khó đi chơi đi”, tôi nghĩ thật hợp lý. Hoặc ai đấy khuyên “nghỉ ngơi nhiều vào, ngủ và tập trung thiền ấy”, tôi cũng sẽ gật đầu làm theo. Nhưng tất cả chỉ là vẻ bề ngoài.
Sự thật bên trong, nỗi đau thật quá lớn. Tôi không biết mình mong đợi điều gì ở ngày mai, không biết mỗi phút sắp đến, mình còn bước tiếp được nữa không. Chỉ muốn buông tay nằm xuống, không muốn phải đối diện với cảm giác đau đớn khủng khiếp này. Nhưng may mắn làm sao, giống một tia sáng mỏng manh le lói qua màn đêm, bản năng nói với tôi, chỉ một mối quan hệ đổ vỡ không thể khiến tôi ngã quỵ đến mức này. Phải có lý do nào khác. Dù là gì, tôi bắt buộc phải vượt thoát màn sương mù tăm tối ấy. Tôi cần sự giúp đỡ từ trái tim.
Người ngoài nhìn vào thấy tôi rất bình thường. Vẫn đi làm, cười nói, chăm sóc cô con gái mà tôi yêu hơn cả cuộc sống này. “Mày mạnh mẽ thật ấy”, bạn bè nói vậy. Nhưng bên trong, tôi biết mình không thể gắng gượng thêm nữa. Cố gắng mạnh mẽ chỉ làm tôi kiệt quệ đến cùng cực. Mỗi sáng, tôi phải dùng hết ý chí để ra lệnh cho bản thân đứng lên thay quần áo, làm bữa sáng rồi đưa con đến trường. Khi không có con gái bên cạnh, tôi cứ nằm mãi trên giường, nhấn chìm trong cảm giác đen tối và khóc không sao ngừng được.
Sự tê liệt ấy kéo dài bao lâu tôi không biết nữa, chỉ biết rằng sẽ không bao giờ tôi quên buổi chiều thứ 7 hôm ấy, khi cảm giác đen tối xuống đến tận cùng, tôi run rẩy với lấy điện thoại, thử bấm số mà tôi tình cờ có được, rồi số phận đưa tôi gặp Michael. Cuộc gọi ấy mãi mãi thay đổi con đường đi của tôi sau này.
Buổi tư vấn diễn ra tại nhà của Michael. Tôi gặp cả vợ anh ấy, chị Jacqueline. Hai người chắc chắn không xa lạ gì với những khách hàng tìm đến tư vấn tâm lý, nhưng với tôi, nụ cười của họ có cảm giác gì đó gần gũi không sao diễn tả được. Nhất là khi hai người hỏi tôi uống trà không. Tôi thích căn phòng tư vấn. Sáng, đầy màu sắc, rất nhiều tranh trên tường. Michael ngồi đối diện tôi trên chiếc ghế màu xanh giống ghế tôi đang ngồi, chậm rãi hỏi:
“Tôi giúp gì được? Lý do bạn tìm đến tư vấn là gì? “
Tôi không muốn khóc trước mặt người lạ. Rất kỳ cục. Dường như Michael hiểu điều tôi nghĩ. Anh ấy không giục, chỉ từ tốn hỏi, rồi kiên nhẫn ngồi và đợi. Đến khi tôi vượt qua sự dè dặt và nghi ngại lúc đầu, thì giống như dòng thác cuồn cuộn chảy, không gì ngăn nổi.
Thông thường, khi một mối quan hệ lâu bền kết thúc, hay khi mất đi một người thân yêu, đó không phải lý do làm ta suy sụp. Đó chỉ là cú knock-out cuối cùng của một chuỗi những tháng năm đằng đẵng đầy đau đớn, thất vọng, giận dữ và căm ghét mà ta cố chôn vùi trong sâu thẳm tâm hồn mình. Thay vì đối mặt, ta để sự tuyệt vọng và bất lực kìm hãm trái tim mình. Đó chính là gánh nặng cuộc đời.
Những câu chuyện của quá khứ ngỡ như lâu lắm rồi. Những hình ảnh mỗi khi nhắm mắt lại vẫn rõ nét mồn một. Cảm giác bất lực của cô bé 7 tuổi khi không bảo vệ được mẹ trước người cha hung bạo. Cảm giác nghẹt thở của người phụ nữ ngỡ như trưởng thành nhưng không cho phép mình than khóc khi mất đi bà nội, người duy nhất cô ấy đặt mọi tình yêu thương và tin tưởng tuyệt đối. Cảm giác uất hận của người vợ bị phản bội khi phải cố nén khao khát trả thù vì cô ấy đặt sự yên bình của con lên trên hết. Những vết thương lòng ấy, qua năm tháng, không được chữa lành, lẩn khuất và ám ảnh trong từng mối quan hệ sau này. Ngày qua ngày, tôi trở nên xa lạ với chính mình. Tôi mất đi bản thể tự nhiên tươi đẹp vốn có, và gắn mình với bản thể xấu xí tự tạo qua năm tháng: vỡ vụn, đau khổ và không xứng đáng được yêu thương.
Thế rồi tôi vùng vẫy, giằng xé, tìm đường thoát khỏi làn sương mù dày đặc ấy bằng cách tìm về với chính mình. Trước đó tôi không bao giờ nghĩ lối thoát nằm ở trái tim mình. Giống lời bài hát Trịnh Công Sơn “trái tim cho ta nơi về nương náu, được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều”. Quay về để khóc, để xót thương, để gục ngã, rồi từ đó đứng dậy ngẩng cao đầu, yêu thương và tin tưởng lần nữa, để được sống. Trước khi vươn mình phải học cách chấp nhận trượt ngã, trước khi đặt niềm tin phải đi qua tuyệt vọng và khổ đau.
Thế nên nếu một ngày bạn muốn khóc, gào thét hay tuyệt vọng, hãy cứ làm thế. Chỉ khi nào mở cửa trái tim mình để những cảm xúc ấy được lên tiếng, bạn mới thật sự thấu hiểu bản chất của tình yêu chính mình. Yêu bản thân không có nghĩa cứ cố gắng thật nhiều để yêu là được. Sự bao dung với chính mình là sự chấp nhận những cảm xúc cả tích cực và tiêu cực, những ký ức tốt đẹp lẫn đau buồn, chấp nhận hình ảnh lung linh tự tạo với xã hội bên ngoài, nhưng bao dung với cả bản thể đầy thù hận và tức giận của mình bên trong.
Tất cả những cảm xúc và bản thể ấy đều là tôi. Khi đi xuyên qua màn đêm đen và giông bão, có một sợi dây mỏng manh vô hình nhưng bền chắc kết nối tất cả những cảm xúc và trải nghiệm lại với nhau. Sợi dây ấy chính là tình yêu cuộc sống sẵn trong mỗi người, như lời chuyên gia tư vấn của tôi “là khao khát trẻ thơ được sống thật đẹp, chứ không chỉ là sống”.
Suốt cả hành trình gian khó ấy, Michael luôn đồng hành cùng tôi. Mỗi buổi tư vấn, với tách trà nóng trong tay, anh ấy ở đó lắng nghe, đồng cảm, đau buồn và vui sướng cùng tôi, khóc với tôi và cho tôi. Đấy chính là sự giúp đỡ từ trái tim tôi cần. Giờ đây tôi được tự do. Tự do để sống đẹp.
Xin cho tôi kết thúc bài viết này bằng câu nói của John “Đến lúc tự do. Vì sự thật là thứ đem đến tự do cho tâm hồn, rồi từ đó tìm về sống đẹp”.
Người dịch:
Phạm Thị Thu Trang
Comments